LẤN CHIẾM ĐẤT NGƯỜI KHÁC phạm tội gì?
“rel”nofollow””
phạm tội gì?
LẤN CHIẾM ĐẤT NGƯỜI KHÁC là hành vi ảnh hưởng đến quyền lợi người bị lấn chiếm. Tình trạng này xuất hiện nhan nhản khắp nơi khiến người dân rất bức xúc, đau đầu.
Chúng tôi sẽ phân tích tình trạng “lấn chiếm đất người khác” trong thực tế. Đồng thời, bài viết cũng nêu rõ cách xử lý khi bị lấn chiếm đất đai để bạn đọc nắm rõ.
Mục lục: |
Căn cứ pháp lý:
1. Lấn chiếm đất người khác
Hành vi lấn chiếm đất đai thường xảy ra giữa các hộ gia đình liền kề. Đây cũng là một trong những nguyên nhân phổ biến gây ra tranh chấp đất đai.
Khoản 1,2 Điều 3 Nghị định 91/2019/NĐ-CP giải thích về hành vi lấn, chiếm đất đai như sau:
Lấn đất đai là gì?
Lấn đất là việc người sử dụng đất chuyển dịch mốc giới hoặc ranh giới thửa đất để mở rộng diện tích đất sử dụng mà:
- Không được cơ quan quản lý nhà nước về đất đai cho phép; hoặc
- Không được người sử dụng hợp pháp diện tích đất bị lấn đó cho phép.
Chiếm đất đai là gì?
Chiếm đất là việc sử dụng đất thuộc một trong các trường hợp sau:
- Tự ý sử dụng đất mà không được cơ quan quản lý nhà nước về đất đai cho phép.
- Tự ý sử dụng đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác mà không được tổ chức, cá nhân đó cho phép.
- Sử dụng đất được Nhà nước giao, cho thuê đất đã hết thời hạn sử dụng mà không được Nhà nước gia hạn sử dụng (trừ trường hợp hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp sử dụng đất nông nghiệp).
- Sử dụng đất trên thực địa mà chưa hoàn thành các thủ tục giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật.
ĐỊA GIỚI HÀNH CHÍNH Là Gì? Cách Xác Định Địa Giới Hành Chính
2. Tội lấn chiếm đất người khác
Lấn chiếm đất người khác là gồm 2 hành vi là lấn đất và chiếm đất. Hành vi lấn, chiếm đất của người khác được xác định là hành vi vi phạm pháp luật và được xử lý nghiêm khắc. Hình thức xử phạt tội chiếm đoạt đất đai phụ thuộc vào loại đất bị lấn chiếm, diện tích, khu vực và người thực hiện hành vi.
Khoản 1 Điều 12 Luật Đất đai 2013 nêu rõ, lấn, chiếm đất đai là một trong các hành vi bị nghiêm cấm. Do đó, việc lấn chiếm đất của người khác sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật. Đồng thời, hành vi lấn, chiếm đất sẽ bị xem xét xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 14 Nghị định 91/2019/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 1 Điều 1 Nghị định 04/2022/NĐ-CP.
Trường hợp hành vi vi phạm được thực hiện bởi tổ chức thì sẽ có mức xử phạt bằng 02 lần mức phạt đối với cá nhân nhưng không được quá 1 tỷ đồng.
Ngoài việc bị phạt tiền, người vi phạm phải chấp hành các hình thức xử phạt bổ sung (nếu có) theo quy định tại khoản 7 Điều 14 Nghị định 91/2019/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 3 Điều 1 Nghị định 04/2022/NĐ-CP.
Ngoài hình thức xử phạt vi phạm hành chính thì người, tổ chức thực hiện việc lấn chiếm đất có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 228 Bộ luật Hình sự 2015, quy định về tội “Vi phạm các quy định về sử dụng đất đai” với khung hình phạt lên đến 7 năm tù và số tiền có thể phải nộp phạt cao nhất là 500 triệu đồng.
3. Cách xử lý khi bị lấn chiếm đất đai
Có thể thấy, việc tranh chấp đòi lại quyền lợi khi bị hàng xóm lấn chiếm đất thuộc tranh chấp về quyền sử dụng đất. Loại tranh chấp này thường do một bên tự ý thay đổi ranh giới hoặc có hành vi lấn chiếm đất người khác.
Căn cứ Điều 202, Điều 203 Luật Đất đai năm 2013, người bị lấn chiếm giải quyết như sau:
3.1 Thương lượng, hòa giải với người có hành vi lấn chiếm đề đòi lại phần diện tích bị lấn chiếm (nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở);
3.2 Nếu không thể thương lượng, hòa giải thì người bị lấn chiếm cần gửi đơn lên Ủy ban nhân dân cấp xã để tiến hành hòa giải nếu không thể tự hòa giải. Sau khi tiến hành hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã:
- Nếu hòa giải thành: Thực hiện theo kết quả hòa giải. Trường hợp lấy lại được đất bị lấn chiếm và có thay đổi hiện trạng về ranh giới đất thì Ủy ban nhân dân cấp xã gửi biên bản hòa giải đến Phòng Tài nguyên và Môi trường để sửa lại ranh giới.
- Nếu hòa giải không thành: Người bị lấn chiếm đất có quyền khởi kiện tại Tòa án nhân dân cấp huyện nơi có đất đang tranh chấp để giải quyết (theo khoản 1 Điều 203 Luật Đất đai năm 2013).
3.3 Người có đất bị lấn chiếm khởi kiện đến Tòa án theo quy định trong trường hợp các bên hòa giải không thành.
Khởi kiện tại Tòa án nhân dân cấp huyện nơi có đất tranh chấp:
Cách xử lý khi bị lấn chiếm đất đai có Sổ đỏ
Trong trường hợp các bên tranh chấp có Sổ đỏ hoặc một trong các giấy tờ về quyền sử dụng đất, nếu muốn giải quyết tranh chấp thì chỉ được khởi kiện tại Tòa án nhân dân cấp huyện nơi có đất.
Hồ sơ cần chuẩn bị gồm:
Đơn khởi kiện theo mẫu; Giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất; Biên bản hòa giải có chứng nhận của Uỷ ban nhân dân xã và có chữ ký của các bên tranh chấp; Giấy tờ của người khởi kiện: Chứng minh thư nhân dân/Thẻ căn cước công dân; Các giấy tờ chứng minh khác theo yêu cầu khởi kiện của bên khởi kiện (ví dụ như văn bản đo đạc, trích lục hồ sơ địa chính…)
Cách xử lý khi bị lấn chiếm đất đai chưa có Sổ đỏ
Trường hợp đất không có Sổ đỏ hoặc một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất theo quy định tại Điều 100 Luật Đất đai 2013 và Điều 18 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, có thể lựa chọn một trong hai cách giải quyết sau:
- Khởi kiện tại Tòa án nhân dân;
- Hoặc đề nghị Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện giải quyết.
Theo đó, trường hợp giải quyết tại Ủy ban nhân dân, thẩm quyền giải quyết thuộc về Chủ tịch Uỷ ban nhân cấp huyện. Nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định.
4. Mẫu đơn khởi kiện lấn chiếm đất đai
Nếu không thể thương lượng, hòa giải thì người bị lấn chiếm nên làm đơn gửi đến cơ quan chức năng giải quyết.
Theo đó, nội dung mẫu đơn cần thể hiện rõ hành vi của người lấn chiếm cùng căn cứ chứng minh nội dung tố cáo. Người bị lấn chiếm có thể tham khảo theo mẫu đơn dưới đây.
5. Hàng xóm lấn đất đã làm nhà có đòi được không
Từ các căn cứ trên ta có thể hiểu, lấn chiếm đất người khác là hành vi trái pháp luật. Vì vậy, nếu hàng xóm lấn đất đã làm nhà thì có thể thỏa thuận hoặc khởi kiện đòi lại phần đất bị lấn, chiếm.
Bên cạnh việc bị phạt hành chính thì người lấn chiếm còn có thể bị xử lý hình sự như mục “Tội chiếm đoạt đất đai” đã được phân tích. Đồng thời, người lấn chiếm buộc phải trả lại hiện trạng đã lấn cho chủ sử dụng. Vì vậy, để bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của mình, nếu phát hiện hàng xóm lấn đất thì nên nhanh chóng can thiệp, xử lý.
6. Thẩm quyền xử phạt hành vi lấn, chiếm đất
Thẩm quyền xử phạt hành vi lấn chiếm đất người khác thuộc:
- Thẩm quyền giải quyết thuộc về Chủ tịch Uỷ ban nhân cấp huyện (trường hợp đề nghị Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết)
- Thẩm quyền giải quyết thuộc về Chủ tịch Uỷ ban nhân cấp tỉnh (trường hợp đề nghị Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giải quyết)
- Thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân (nếu không đồng ý quyết định giải quyết của UBND cấp huyện và cấp tỉnh thì có thể khởi kiện lên Tòa án nhân dân tỉnh).
Trên đây là bài viết về LẤN CHIẾM ĐẤT NGƯỜI KHÁC, hy vọng cung cấp thông tin hữu ích đến bạn đọc.
>>> ĐẤT ĐAI THUỘC SỞ HỮU CỦA AI?
Trung Oanh