Đất thổ cư là gì? Là câu hỏi mà hầu hết tất cả mọi người đều quan tâm. Bởi lẽ, ai trong chúng ta cũng đều muốn sở hữu một mảnh đất. Đây không chỉ là tài sản sinh lợi trong tương lai mà còn là nơi “cắm dùi” xây dựng mái ấm gia đình.
Bên cạnh việc giải thích ĐẤT THỔ CƯ LÀ GÌ, bài viết còn phân tích thuận lợi và rủi ro trước khi bạn đầu tư mua đất thổ cư.
Nội dung chính bài viết:
Căn cứ bài viết:
- Luật đất đai năm 2013 và các văn bản pháp luật liên quan.
- Thị trường giao dịch bất động sản trong thời gian qua.
1. Đất thổ cư là gì?
Trên thực tế, theo quy định của Luật Đất Đai năm 2013 không có loại đất nào tên “đất thổ cư”. Đất thổ cư là từ mà người dân nói về thửa đất được phép xây dựng nhà ở. Đất thổ cư thuộc nhóm đất phi nông nghiệp.
Đất phi nông nghiệp là gì?
Theo khoản 2 Điều 10 Luật Đất Đai nằm 2013:
Nhóm đất phi nông nghiệp bao gồm các loại đất sau đây:
a) Đất ở gồm đất ở tại nông thôn, đất ở tại đô thị;
b) Đất xây dựng trụ sở cơ quan;
c) Đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh;
d) Đất xây dựng công trình sự nghiệp gồm đất xây dựng trụ sở của tổ chức sự nghiệp; đất xây dựng cơ sở văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục và đào tạo, thể dục thể thao, khoa học và công nghệ, ngoại giao và công trình sự nghiệp khác;
đ) Đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp gồm đất khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất; đất thương mại, dịch vụ; đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp; đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản; đất sản xuất vật liệu xây dựng, làm đồ gốm;
e) Đất sử dụng vào mục đích công cộng gồm đất giao thông (gồm cảng hàng không, sân bay, cảng đường thủy nội địa, cảng hàng hải, hệ thống đường sắt, hệ thống đường bộ và công trình giao thông khác); thủy lợi; đất có di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh; đất sinh hoạt cộng đồng, khu vui chơi, giải trí công cộng; đất công trình năng lượng; đất công trình bưu chính, viễn thông; đất chợ; đất bãi thải, xử lý chất thải và đất công trình công cộng khác;
g) Đất cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng;
h) Đất làm nghĩa trang, nghĩa địa, nhà tang lễ, nhà hỏa táng;
i) Đất sông, ngòi, kênh, rạch, suối và mặt nước chuyên dùng;
k) Đất phi nông nghiệp khác gồm đất làm nhà nghỉ, lán, trại cho người lao động trong cơ sở sản xuất; đất xây dựng kho và nhà để chứa nông sản, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, máy móc, công cụ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và đất xây dựng công trình khác của người sử dụng đất không nhằm mục đích kinh doanh mà công trình đó không gắn liền với đất ở;
Từ quy định trên, đất thổ cư mà phần lớn người dân quan tâm là loại đất ở nông thôn và đất ở đô thị. Vậy hai loại đất này có gì khác nhau:
Đất ở nông thôn là gì?
Đất thổ cư nông thôn có ký hiệu là ONT. Đây là loại đất ở thuộc địa giới hành chính khu vực nông thôn và do xã quản lý. Đất ở nông thôn có chính sách thuế và quy hoạch riêng theo từng khu vực. Đất ONT thường được ưu tiên cấp phép xây dựng vườn và ao để phục vụ cho sự phát triển của địa phương đó.
Đất ở đô thị là gì?
Đất thổ cư đô thị có ký hiệu là ODT. Đất ở đô thị thuộc phạm vi quản lý của các phường, thị trấn, quận, thành phố, thị xã. Hoặc khu dân cư quy hoạch của đô thị mới. Đất ở đô thị cũng có chính sách thuế và quy định riêng. Phần lớn người dân mua đất ở đô thị phục vụ mục đích xây dựng nhà để ở.
2 Cách xác định đất thổ cư
Một trong những cách đơn giản nhất để xác định đất thổ cư là xem ở trang 2 của Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Giấy này được người dân gọi là “sổ đỏ” hoặc “sổ hồng”.
Tại trang 2 của sổ hồng sẽ có mục “Thửa đất, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất”. Tại đây toàn bộ thông tin của thửa đất sẽ được ghi cụ thể, gồm:
1 – Thửa đất số: …, tờ bản đồ số: ….
2 – Địa chỉ: …
3 – Diện tích: …
4 – Hình thức sử dụng: …
5 – Mục đích sử dụng: …
6 – Thời hạn sử dụng: …
7 – Nguồn gốc sử dụng: …
Để xác định đây là đất thổ cư hay nhóm đất khác thì chúng ta sẽ xem ở “Mục đích sử dụng”. Ngoài ra, trang 2 của sổ hồng còn giúp chúng ta biết chính xác vị trí, diện tích, thời hạn cũng như hình thức sử dụng. Điều này sẽ giúp chúng ta sử dụng đất đúng theo quy định của pháp luật.
Đáng chú ý, thông thường đất thổ cư thường có thời hạn sử dụng là lâu dài. Đây là điều khác với nhiều loại đất khác. (Đất nông nghiệp thường có thời hạn sử dụng khoảng 50 năm).
3 Giá đất thổ cư
Giá đất ở từng tỉnh thành sẽ không giống nhau. Đặc biệt, đất thổ cư ở nông thôn và đô thị lại càng có mức chênh lệch rất lớn.
Giá đất sẽ được Nhà nước quyết định theo Điều 18 Luật Đất Đai năm 2013. Cụ thể:
Điều 18. Nhà nước quyết định giá đất:
1 Nhà nước quy định nguyên tắc, phương pháp định giá đất.
2 Nhà nước ban hành khung giá đất, bảng giá đất và quyết định giá đất cụ thể.
Thực tế, giá đất giao dịch của người dân lại cao hơn nhiều so với giá đất của Nhà nước quyết định. Bởi lẽ, trên cơ sở “thuận mua, vừa bán” thì người dân có quyền giao dịch thửa đất theo giá thoả thuận. Đồng thời phải tiến hành đóng thuế (thu nhập cá nhân và lệ phía trước bạ dựa trên giá thoả thuận) và làm các thủ tục chuyển đổi theo quy định.
Tuy nhiên, nếu giá thoả thuận có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì Nhà nước sẽ tiến hành xử lý theo quy định. Trên thực tế đã có nhiều trường hợp bán đất giá quá thấp (vì mục đích tư lợi khác) đã bị xử lý theo pháp luật.
4 Đất nông nghiệp lên thổ cư được không?
Trong thời gian qua đã có nhiều trường hợp chuyển đổi đất nông nghiệp lên thổ cư. Vì vậy, đất nông nghiệp lên thổ cư sẽ được thực hiện theo quy định pháp luật.
4.1 Điều kiện chuyển đất nông nghiệp lên thổ cư
Để chuyển đổi đất nông nghiệp thành thổ cư thì phải đá ứng đủ các điều kiện sau:
– Vị trí thửa đất được cho phép chuyển đổi theo kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện.
– Có đơn xin chuyển mục đích sử dụng đất của người sử dụng đất.
Kế hoạch sử dụng đất hàng năm là kế hoạch được công khai để người dân có thể tìm hiểu. Người dân có thể lên trực tiếp cấp huyện tại nơi sử dụng đất để hỏi. Hoặc có thể tìm hiểu trên internet (nếu thông tin được update).
4.2 Trình tự, thủ tục chuyển đất nông nghiệp lên thổ cư
Chuẩn bị hồ sơ
Hồ sơ để chuyển đất nông nghiệp lên thổ cư thông thường gồm:
1 Đơn xin pháp chuyển mục đích sử dụng đất.
2 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ, sổ hồng)
Nộp hồ sơ
Sau khi chuẩn bị hồ sơ, người dân sẽ tiến hành nộp hồ sơ tại:
+ Bộ phận Một cửa;
+ Phòng Tài nguyên Môi trường (nếu chưa có Bộ phận Một cửa).
Sau khi nhận đầy đủ hồ sơ thì cán bộ phụ trách sẽ tiếp nhận hồ sơ và trao phiếu hẹn cho người nộp. Trong trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ thì cán bộ tiếp nhận sẽ hướng dẫn người nộp bổ sung.
Đồng thời, người dân cũng cần nộp tiền sử dụng đất và các nghĩa vụ khác theo quy định.
Thời gian trả kết quả
Theo quy định, thời hạn giải quyết hồ sơ chuyển đất thổ cư là không quá 15 ngày kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ hợp lệ.
Đối với địa phương ở các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn thì thời gian giải quyết không quá 25 ngày.
Lưu ý, thời gian trên không tính thời gian các ngày nghỉ, lễ theo quy định. Ngoài ra không tính thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất.
Những thông tin trong bài viết không chỉ giải thích đất thổ cư là gì mà còn phân tích nhiều vấn đề liên quan để bạn đọc cân nhấc đầu tư. Hy vọng thông qua bài viết này sẽ đem đến nhiều kiến thức cần thiết đến bạn đọc.