Đất trồng cây hàng năm là một trong những loại đất phổ biến, phân bổ khắp các tỉnh thành Việt Nam. Chính vì lẽ đó, lượng giao dịch loại đất này cũng chiếm đa số, nhất là tại các vùng nông thôn.
Để đảm bảo đầy đủ quyền lợi của mình, chủ sử dụng nên nắm vững một số kiến thức cơ bản về ĐẤT TRỒNG CÂY HÀNG NĂM.
Mục lục |
Cơ sở pháp lý:
1. Đất trồng cây hàng năm là gì?
Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 10 Luật Đất đai năm 2013, đất trồng cây hàng năm nằm trong nhóm đất nông nghiệp. Theo đó, đất trồng cây hàng năm gồm đất trồng lúa và đất trồng cây hàng năm khác.
Đất trồng lúa bao gồm đất chuyên phục vụ cho việc trồng lúa nước, loại đất trồng lúa nước còn lại và đất trồng lúa nước trên nương. Đất trồng cây hàng năm khác bao gồm đất bằng sử dụng vào mục đích trồng cây hàng năm khác và làm nương rẫy trồng cây hàng năm khác.
Đất trồng cây hàng năm khác là đất trồng các loại như cây rau, màu, dược liệu, gai, đay, mía, cói, sả, dâu tằm,… và đất trồng cỏ hoặc cỏ tự nhiên có cải tạo để chăn nuôi gia súc.
Theo phụ lục 01 ban hành kèm theo Thông tư 27/2018/TT-BTNMT quy định: Đất trồng cây hàng năm là đất sử dụng vào mục đích trồng cây được gieo trồng, cho thu hoạch và kết thúc chu kỳ sản xuất trong thời gian không quá 01 năm, kể cả cây hàng năm được lưu gốc để thu hoạch trong thời gian không quá 05 năm và cây hàng năm theo chế độ canh tác không thường xuyên theo chu kỳ.
Ký hiệu đất trồng cây hàng năm là CHN
2. Thời hạn sử dụng đất trồng cây hàng năm
Thời hạn sử dụng đất là khoản thời gian mà người sử dụng đất được thực hiện các quyền lợi hợp pháp trên đất. Tuỳ từng trường hợp và từng loại đất mà có thời hạn sử dụng khác nhau như: ổn định lâu dài, 50 năm, 70 năm, 99 năm.
Để biết thời hạn sử dụng đất trồng cây hàng năm của hộ gia đình, cá nhân thì người sử dụng có thể xem tại trang 2 của Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (còn gọi sổ hồng). Thông thường, thời hạn sử dụng đất trồng cây hàng năm đối với hộ gia đình, cá nhân là không quá 50 năm.
Khi hết thời hạn sử dụng đất, hộ gia đình cá nhân trực tiếp sản xuất đất nông nghiệp có nhu cầu thì trược tiếp tục sử dụng đất theo thời hạn quy định. Trình tự, thủ tục gia hạn sử dụng đất, xác nhận tiếp tục sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân khi hết hạn sử dụng căn cứ vào Nghị định số 43/2014/NĐ-CP.
Tuy nhiên, nếu trường hợp Nhà nước ra quyết định thu hồi đất vì các mục đích sau thì không được gia hạn, cụ thể:
- Thu hồi đất vì mục đích quốc phòng an ninh;
- Thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng;
- Thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai;
- Thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật, tự nguyện trả lại đất, có nguy cơ đe doạ tính mạng con người.
3. Đất trồng cây hàng năm có được xây nhà không?
Theo quy định pháp luật, đất trồng cây hàng năm là loại đất dùng để trồng các loại cây hàng năm. Chính vì vậy, chủ sử dụng không thể tuỳ tiện xây nhà để ở trên đất trồng cây hàng năm. Nếu chủ sử dụng vi phạm pháp luật về đất đai sẽ bị Nhà nước thu hồi đất.
Pháp luật cũng quy định rõ, đất xây nhà để ở gồm đất ở tại nông thôn và đất ở tại đô thị. Nếu chủ sử dụng có nhu cầu xây nhà thì cần chuyển đất trồng cây hàng năm lên đất ở.
Để chuyển mục đích sử dụng đất trồng cây hàng năm lên đất ở cần xem xét đến 2 yếu tố chính sau:
+ Kế hoạch sử dụng đất hàng năm đã được phê duyệt của UBND cấp huyện cho thấy khu vực đất phù hợp kế hoạch chuyển đổi lên đất ở;
+ Nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân. Nhu cầu sử dụng đất được thể hiện trong dự án đầu tư, đơn xin giao đất, thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất.
Tóm lại, nếu thửa đất nằm trong khu vực được chuyển đổi lên đất ở thì chủ sử dụng sẽ có thể làm đơn xin chuyển mục đích sử dụng đất trồng cây hàng năm lên đất ở. Sau khi chuyển mục đích sử dụng lên đất ở thành công thì chủ sử dụng mới được phép xây nhà.
4. Điều kiện để chuyển nhượng đất trồng cây hàng năm
Điều kiện để chuyển nhượng quyền sử dụng đất
Để thực hiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất, người sử dụng phải đáp ứng đủ các điều kiện chung sau:
+ Có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;
+ Đất không có tranh chấp;
+ Đất trong thời hạn sử dụng;
+ Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;
+ Việc chuyển nhượng phải thực hiện theo đúng quy định pháp luật (phải công chứng, chứng thực).
Điều kiện để chuyển nhượng đất trồng cây hàng năm
Để chuyển nhượng đất trồng cây hàng năm thì người chuyển phải đáp ứng các điều kiện như trên, đồng thời phải thoả mãn các điều kiện sau:
+ Chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp trong cùng một xã, phường, thị trấn với hộ gia đình, cá nhân khác (điểm b khoản 1 Điều 179 Luật Đất đai năm 2013).
+ Hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa (khoản 3 Điều 191 Luật Đất đai năm 2013).
+ Người nhận chuyển nhượng phải thoả mãn các điều kiện về hạn mức nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp theo Điều 44 Nghị định 43/2014/NĐ-CP. Cụ thể, hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối của mỗi hộ gia đình, cá nhân để sử dụng vào mục đích nông nghiệp như sau:
– Không quá 30 héc ta cho mỗi loại đất đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thuộc khu vực Đông Nam bộ và khu vực đồng bằng sông Cửu Long;
– Không quá 20 héc ta cho mỗi loại đất đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương còn lại.
Trường hợp hộ gia đình, cá nhân nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp trên địa bàn nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì tổng diện tích được nhận chuyển quyền trong hạn mức đối với mỗi loại đất bằng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất cao nhất.
Trên đây là nội dung về ĐẤT TRỒNG CÂY HÀNG NĂM mà Ngôi Nhà Đầu Tiên muốn gửi đến bạn đọc. Hy vọng đem đến thông tin hưu ích cho bạn đọc.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết!