ĐỊA GIỚI HÀNH CHÍNH là nói đến việc xác định địa danh, mốc giới hay toạ độ. Nếu tính trong phạm vi nhỏ, có thể hiểu địa giới hành chính như “hàng rào” giữa nhà này và nhà kia. Hiểu được địa giới hành chính sẽ giúp bạn hiểu được ranh giới giữa các đơn vị hành chính (cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh, cấp trung ương) trên thhực tế.
Thông qua bài viết, Ngôi Nhà Đầu Tiên cùng bạn phân tích địa giới hành chính là gì và các quy định pháp lý liên quan.
Mục lục: |
Cơ sở pháp lý:
1. Địa giới hành chính là gì?
Địa giới hành chính là đường ranh giới phân chia các đơn vị hành chính bằng các mốc địa giới.
Hiện nay, nước ta có 4 cấp hành chính, gồm: cấp trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã. Giữa các đơn vị hành chính các cấp này đều có ranh giới hành chính thông qua các mốc toạ độ. Mốc toạ độ này được cắm ở những nơi dễ thấy trên thực tế và được hiển thị đầy đủ trên bản đồ địa giới hành chính.
Theo quy định hiện hành, việc điều chỉnh địa giới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Việc điều chỉnh địa giới cấp huyện, xã thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Địa giới hành chính còn là cơ sở pháp lý phân định phạm vi trách nhiệm bộ máy hành chính các cấp. Bởi lẽ, sự ổn định của địa giới hành chính còn là cơ sở đảm bảo sự ổn định của bộ máy nhà nước.
Địa giới hành chính tiếng Anh là Administrative Boundaries
2. Cách xác định địa giới hành chính
Căn cứ xác định địa giới hành chính thường là: diện tích đất, dân số, văn hoá, xã hội, các yếu tố chính trị, quốc phòng, an ninh, lịch sử, tập quán, tình cảm cư dân địa phương,…
2.1 Luật địa giới hành chính
Quy định pháp luật địa giới hành chính tại Điều 29 Luật Đất đai năm 2013. Cụ thể, khoản 1, khoản 2 Điều 29 Luật này có quy định:
“1. Chính phủ chỉ đạo việc xác định địa giới hành chính, lập và quản lý hồ sơ địa giới hành chính các cấp trong phạm vi cả nước.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định về trình tự, thủ tục xác định địa giới hành chính, quản lý mốc địa giới và hồ sơ địa giới hành chính các cấp.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường quy định về kỹ thuật và định mức kinh tế – kỹ thuật trong việc cắm mốc địa giới hành chính, lập hồ sơ địa giới hành chính các cấp.
2. UBND các cấp tổ chức thực hiện việc xác định địa giới hành chính trên thực địa và lập hồ sơ về địa giới hành chính trong phạm vi địa phương.”
Đồng thời, việc xác lập địa giới hành còn được quy định vụ thể thông qua các thông tư, quyết địn của Bộ Nội vụ; Các thông tư liên tịch giữa Bộ Nội Vụ, Bộ Tài nguyên & Môi trường, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch & Đầu tư; Các thông tư của Bộ Trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường; Các quyết định, chỉ thị, kế hoạch của UBND cấp tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương; Các quyết định, kế hoạch của UBND cấp huyện/quận/thị xã/thành phố trực thuộc tỉnh; Việc tổ chức thực hiện dựa trên thực địa và lập hồ sơ địa giới hành chính của UBND cấp xã/phường/thị trấn.
Theo đó, mỗi cấp sẽ có trách nhiệm quản lý mốc địa giới hành chính trong địa phương mình. Hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính còn là tài liệu để chính quyền các cấp sử dụng trong công tác quản lí nhà nước và làm căn cứ cho việc giải quyết tranh chấp đất đai.
2.2 Hồ sơ địa giới hành chính
Theo khoản 3 Điều 29 Luật Đất đai năm 2013 thì hồ sơ địa giới hành chính bao gồm tài liệu dạng giấy, dạng số thể hiện thông tin về việc thành lập, điều chỉnh đơn vị hành chính và các mốc địa giới, đường địa giới của đơn vị hành chính đó.
Hồ sơ địa giới hành chính cấp dưới do UBND cấp trên trực tiếp xác nhận; hồ sơ địa giới hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương do Bộ Nội vụ xác nhận. Theo đó, hồ sơ cấp nào được lưu trữ tại UBND cấp đó và UBND cấp trên, Bộ Nội vụ, Bộ Tài nguyên & Môi trường.
Hiện nay, có 9 loại giấy tờ về hồ sơ phục vụ quản lý nhà nước đối với địa giới hành chính, gồm:
+ Quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về việc thành lập đơn vị hành chính hoặc điều chỉnh địa giới hành chính (nếu có);
+ Bản đồ địa giới hành chính;
+ Sơ đồ vị trí các mốc địa giới hành chính;
+ Bảng tọa độ các mốc địa giới hành chính, các điểm đặc trưng trên đường địa giới hành chính;
+ Bản mô tả tình hình chung về địa giới hành chính;
+ Biên bản xác nhận mô tả đường địa giới hành chính;
+ Phiếu thống kế về các yếu tố địa lý có liên quan đến địa giới hành chính;
+ Biên bản bàn giao mốc địa giới hành chính;
+ Thống kê các tài liệu về địa giới hành chính của các đơn vị hành chính cấp dưới.
3. Tranh chấp địa giới hành chính trên thực tế
Khoản 4 Điều 29 Luật Đất đai năm 2013 quy định: Tranh chấp địa giới hành chính giữa các đơn vị hành chính do UBND của các đơn vị hành chính đó cùng phối hợp giải quyết. Trường hợp không đạt được sự nhất trí về phân định địa giới hành chính hoặc việc giải quyết làm thay đổi địa giới hành chính thì thẩm quyền giải quyết được quy định như sau:
a) Trường hợp tranh chấp liên quan đến địa giới của đơn vị hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì Chính phủ trình Quốc hội quyết định;
b) Trường hợp tranh chấp liên quan đến địa giới của đơn vị hành chính huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; xã, phường, thị trấn thì Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định.
Bộ Tài nguyên & Môi trường, cơ quan quản lý đất đai của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có trách nhiệm cung cấp tài liệu cần thiết và phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để giải quyết tranh chấp địa giới hành chính.
Theo đó, ta có thể hiểu, khi có sự tranh chấp địa giới hànhh chính và không đạt được sự thống nhất giải quyết thì sẽ được giải quyết như sau:
+ Tranh chấp đơn vị hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương do Quốc hội quyết định;
+ Tranh chấp đơn vị hành chính huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; xã, phường, thị trấn thì Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định.
4. Bản đồ hành chính
Liên quan đến địa giới hành chính, bạn đọc cũng cần nắm rõ khái niệm bản đồ hành chính. Theo Điều 30 Luật Đất đai năm 2013 quy định về bản đồ hành chính như sau:
+ Bản đồ hành chính của địa phương nào thì được lập trên cơ sở bản đồ địa giới hành chính của địa phương đó.
+ Bộ Tài nguyên & Môi trường chỉ đạo, hướng dẫn việc lập bản đồ hành chính các cấp trong phạm vi cả nước và tổ chức thực hiện việc lập bản đồ hành chính toàn quốc, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
+ UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là UBND cấp tỉnh) tổ chức thực hiện việc lập bản đồ hành chính huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.”.
Trên đây là những giải đáp xung quanh địa giới hành chính mà Ngôi Nhà Đầu Tiên muốn cung cấp đến bạn đọc. Hy vọng thông tin này đã cung cấp thêm kiến thức hữu ích để bạn tham khảo.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết!