Đồng Tháp là một tỉnh của Việt Nam.
“Tháp Mười đẹp nhất bông sen,
Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ”,
là câu nói dân gian lưu truyền từ nhiều đời để kể về xứ sở ĐỒNG THÁP. Trong bài viết này, Ngôi Nhà Đầu Tiên sẽ thông tin với bạn đọc nhiều thông tin thú vị về Đồng Tháp.
Mục lục: |
1. Đồng Tháp là gì?
Đồng Tháp là một tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long, Việt Nam. Đây là vùng đất được khai phá từ thời chúa Nguyễn, vào khoảng thế kỷ XVII, XVIII. Đồng Tháp ngày nay được thành lập trên cơ sở hợp nhất tỉnh Kiến Phong và tỉnh Sa Đéc vào năm 1976.
Đồng Tháp là nơi sông Tiền chảy vào địa phận Việt Nam, có đường biên giới giáp với Vương quốc Campuchia. Chiều dài đường biên giới khoảng hơn 50km, với 4 cửa khẩu. Trong đó có 02 cửa khẩu quốc tế là Thường Phước và Dinh Bà.
Đồng Tháp nổi tiếng với ruộng sen bạc ngàn, xuất hiện khắp nơi. Đặc biệt là sen được trồng rất nhiều ở khu vực Đồng Tháp Mười, thu hút du khách ghé thăm. Bên cạnh vẻ đẹp thuần khiết, sen còn được người dân Đồng Tháp tận dụng chế biến rất nhiều món ngon. Điển hình: trà sen, sữa hạt sen, các món ăn từ hạt sen, rượu sen (Hồng sen tửu), lá sen non cuốn cá, gỏi lá sen,…
Hiện Đồng Tháp có 12 đơn vị hành chính cấp huyện (3 thành phố và 9 huyện) và 143 đơn vị hành chính cấp xã (9 thị trấn, 19 phường và 115 xã).
Slogan năm 2023 của Đồng Tháp là: Kinh tế xanh Sen hồng bức phá – Chuyển đổi số Đồng Tháp tiên phong.

2. Đồng Tháp có gì chơi?
Đồng Tháp có nhiều điểm du lịch và di tích lịch sử. Đặc biệt có 01 di tích lịch sử quốc gia đặc biệt là khu di tích Gò Tháp. Đồng thời còn có 12 di tích lịch sử văn hóa cấp quốc già và 49 di tích cấp tỉnh.
Đến đây, du khách có thể đắm chìm trong không gian xanh mát và trải nghiệm từng thời kỳ lịch sử tại nhiều khu di tích.
Ngôi Nhà Đầu Tiên giới thiệu đến bạn một số địa điểm nên tham quan khi đến Đồng Tháp, gồm:
- Lăng cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc
- Khu di tích Gò Tháp
- Khu di tích Xẻo Quýt
- Vườn quốc gia Tràm Chim
- Đền thờ Thượng tướng Quận công Trần Văn Năng
- Làng hoa Sa Đéc
- Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê
- Làng bột Sa Đéc
- Đồng sen Tháp Mười
- Chợ chiếu Đinh Yên (còn gọi chợ ma Định Yên)
- Vườn trái cây quýt hồng Lai Vung
- Cây xoài nhà tôi huyện Cao Lãnh
- Và nhiều địa điểm du lịch khác.
Đồng Tháp có 2 thành phố được UNESCO công nhận là thành phố học tập toàn cầu là: thành phố Cao Lãnh và thành phố Sa Đéc.

3. Đồng Tháp có gì ăn?
Bên cạnh những món ăn quen thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long, Đồng Tháp còn có nhiều món ăn đặc trưng tỉnh nhà.
Nếu có dịp đến Đồng Tháp, du khách không nên bỏ qua những món ăn địa phương. Ngôi Nhà Đầu Tiên giới thiệu đến du khách một số món tiêu biểu tại xứ sở hoa sen này.
- Bánh phồng tôm Sa Giang
- Nem chua Lai Vung
- Quýt hồng Lai Vung
- Xoài Cao Lãnh
- Các món chế biến từ chuột đồng
- Hủ tíu Sa Đéc
- Bánh xèo Cao Lãnh
- Khô cá lóc
- Các món từ cá linh, bông điên điển (lẩu mắm cá linh, cá linh kho, canh chua cá linh, cá linh nướng,…)
- Cá lóc nướng trui cuốn lá sen non (món ăn không thể bỏ lỡ khi đến xứ sở loài sen)
- Các món làm từ sen (hột sen hấp, sữa sen, rượu sen, trà sen, gỏi sen,…)
- Ca tra, cá ba sa (Hồng Ngự là thủ phủ cá tra)
- Nhãn Châu Thành
- Bì lợn Tân Hồng
- Bì mắm ở Bình Thạnh Trung, Lấp Vò
- Gà đập đất, vịt hoàng đế
- Vịt nướng Sa Đéc, Cao Lãnh
- Chả bía Hồng Ngự
- Hến một nắng Tam Nông
- Lẩu gà nồi Cao Lãnh
- Rượu hoa cúc Sa Đéc
- Bánh tét Cao Lãnh
- ….

4. Đồng Tháp có mấy thành phố?
Tính đến thời điểm này, Đồng Tháp có 03 thành phố, gồm:
- Thành phố Cao Lãnh (trung tâm hành chính tỉnh)
- Thành phố Sa Đéc (làng hoa lớn nhất đồng bằng sông Cửu Long)
- Thành phố Hồng Ngự (thành phố mới từ năm 2020, thủ phủ cá tra, cá ba sa).
Mỗi thành phố của tỉnh đều có những đặc trưng riêng tạo nên dấu ấn riêng biệt cho Đồng Tháp.
5. Đồng Tháp có bao nhiêu huyện?
Hiện nay, Đồng Tháp có 9 huyện. Mỗi huyện đều có những sản phẩm đặc trưng tạo nên thương hiệu địa phương.
9 huyện của Đồng Tháp gồm: Tân Hồng, Hồng Ngự, Tam Nông, Thanh Bình, Tháp Mười, Cao Lãnh, Lấp Vò, Lai Vung, Châu Thành.
Trong đó, huyện Tháp Mười có diện tích lớn nhất. Huyện Cao Lãnh có dân số Đông Nhất.
6. Đồng Tháp giáp với tỉnh nào?
Đồng Tháp là một trong 13 tỉnh của đồng bằng sông Cửu Long, là tỉnh duy nhất có địa bàn ở cả hai bờ sông Tiền. Lãnh thổ tỉnh nằm trong giới hạn tọa độ 10°07’ – 10°58’ vĩ độ Bắc và 105°12’ – 105°56’ kinh độ Đông. Đồng Tháp giáp với các tỉnh sau:
- Phía đông giáp với tỉnh Long An và tỉnh Tiền Giang
- Phía tây giáp tỉnh An Giang
- Phía nam giáp với tỉnh Vĩnh Long và thành phố Cần Thơ
- Phía bắc giáp tỉnh Long An và tỉnh Prey Veng của Campuchia
Tỉnh có đường biên giới giáp tỉnh Prey Veng khoảng 50km, từ Hồng Ngự đến Tân Hồng, đi qua 4 cửa khẩu, gồm: Thông Bình, Dinh Bà, Mỹ Cân và Thường Phước.

7. Đặc điểm kinh tế – xã hội tỉnh Đồng Tháp
Đồng Tháp nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới với 2 mùa khô và mưa rõ rệt. Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11. Mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau. Với đặc điểm khí hậu này, tỉnh thuận lợi phát triển kinh tế nông nghiệp. Trong đó, cây lúa vẫn là loại cây trồng chủ yếu, chiếm tỷ trong lớn trong diện tích gieo trồng và trong giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp.
Tính đến thời điểm này, Đồng Tháp đã đi vào giai đoạn 2 của đề án tái cơ cấu nông nghiệp. Đây là một trong những đề án trọng tâm của tỉnh, giúp thay đổi tư duy kinh tế theo hướng hiện đại hóa. Sự thành công của đề án sẽ tạo cuộc cách mạng lớn về nông nghiệp, giúp bà con vươn lên làm giàu bền vững.
Bên cạnh những đặc điểm kinh tế – xã hội nổi bậc, Đồng Tháp còn là tỉnh các nhiều mô hình hay, cách làm mới được cả nước công nhận. Điển hình mô hình tổ nhân dân tự quản, mô hình hội quán,… giúp người dân, doanh nghiệp và chính quyền liên kết, trao đổi dễ dàng hơn. Ngoài ra, chương trình “Đi làm công, về làm chủ” nhằm đưa lao động sang các nước phát triển làm thời vụ tạo sự thay đổi tích cực. Những năm qua đã có nhiều người tham gia xuất khẩu lao động tại các nước: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan,… Bên cạnh tích lũy được tiền bạc, các lao động còn học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm. Sau khi quay về nước, họ đã tiến hành khởi nghiệp và làm giàu trên chính quê hương của mình.
Trong 9 tháng đầu năm 2023, Đồng Tháp có 501 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tổng số vốn đăng ký hơn 2.662 tỷ đồng, tạo thêm 2.351 việc làm.
Tình hình thực hiện một số dự án trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp
- Dự án cao tốc Cao Lãnh – An Hữu giai đoạn 1 (16km thuộc tỉnh Đồng Tháp) được khởi công ngày 25/6/2023, tổng mức vốn đầu tư là 3.640.000 triệu đồng, dự kiến hoàn thành năm 2025.
- Dự án xây dựng tuyến ĐT 857 (đoạn Quốc lộ 30 – ĐT 845), tổng mức đầu tư 2.179.790 triệu đồng, ước thực hiện đạt 25,71% tổng mức đầu tư.
- Dự án nâng cấp quốc lộ 30 đoạn Cao Lãnh – Hồng Ngự giai đoạn 3, tổng giá trị thực hiện từ khi khởi công đến cuối tháng 10/2023 ước đạt 52,82% vốn đầu tư.
- Nâng cấp, mở rộng đường ĐT 841 và xây dựng mới cầu Sở Thượng 2 tổng giá trị thực hiện từ khi khởi công đến cuối tháng 10/2023 ước đạt 87,68% tổng mức vốn đầu tư.
- Dự án đường ĐT 845 Trường Xuân – Tân Phước tổng giá trị thực hiện từ khi khởi công đến hết tháng 10/2023 ước đạt 39,61% tổng mức vốn đầu tư.
Trung Oanh